Có thể bài viết này mang tính cá nhân của mình nhiều hơn, nhưng nếu bạn đã học tiếng Nhật một thời gian chắc chắn bạn sẽ nhận ra những nguyên tắc này rất căn bản nhưng chi phối từng phút từng giây cách mà bạn nói tiếng Nhật. Đây là những nguyên tắc được tôn lên một cách khái quát, nên nó sẽ bao hàm rất nhiều quy luật nhỏ trong mỗi nguyên tắc đó mà mình không thể nói hết được. Những nguyên tắc này không cần phải học đến trung cấp hay thượng cấp, các bạn sơ cấp nên biết ngay từ đầu để nói cho chính xác hơn nhé:
Nguyên tắc 1:
Đừng cứ mãi bắt đầu bằng わたしは~~ và tư duy lối mòn trong diễn đạt tiếng Việt.
Vì sao mình nhận định nhứ thế, dễ hiểu là tiếng Việt chúng ta nói câu nào cũng có chủ có vị, có trước có sau, có trên có dưới, có người có ta…chữ “tôi” xuất hiện luôn luôn trong lúc các bạn nói (thậm chí ngay cả khi các bạn đọc bài viết này!), vấn đề không phải như thế là sai, nhưng mà chỉ biết nói là “tiếng Việt nó thế!”. Vậy thì tiếng Nhật cũng vậy, chỉ trừ khi bạn muốn nhấn mạnh cái tôi, hay chính bản bản thân bạn, chính quan điểm/cái nhìn của bạn (nghe ra sự việc có vẻ nghiêm trọng) thì mới bắt đầu với わたしは~~. Còn không thì lượt bỏ nó đi, không ai trách bạn vô lễ như trong tiếng Việt cả. Những bạn mới học tiếng Nhật nên bỏ thói quen này.
Nguyên tắc 2:
Động từ đặt ở cuối.
Vì sao nhỉ? Cũng như mình đã nói ở trên vậy thôi. Tiếng Nhật nó thế. Điều này dẫn đến sự khó khăn bước đầu trong việc xây dựng bộ “giải mã” ngôn ngữ từ Việt sang Nhật trong tâm trí của bạn. Bạn phải định hình khá khó khăn trong khi tiếng mẹ đẻ hay tiếng Anh động từ vẫn đứng giữa câu theo dạng SVO. Trong nguyên tắc này, chúng ta có cả một thế giới động từ với đầy đủ các thì và các thể chưa kể kính ngữ.
Nguyên tắc 3:
Trợ từ phải đúng theo từ mà nó bổ ngữ.
Trong tất cả các bài học và các kì thi Nhật ngữ, trợ từ là một chuyên đề chiếm rất nhiều thời gian và bài tập. Trợ từ tiếng Nhật thì ôi thôi, người ta soạn cả một từ điển riêng cho nó. Lúc học đại học, mình từng nghe về luận án tiến sĩ ngôn ngữ chỉ bàn đến duy nhất hai trợ từ が ga và は ha. Bạn không thể nói tiếng Nhật mà không có trợ từ. Trợ từ được quyết định tuỳ theo rất nhiều yếu tố: động từ, ý nghĩa muốn diễn đạt…Trợ từ xuất hiện luôn luôn trong câu. Và lỗi mà các bạn mới học mắc phải nhiều nhất là hay nhấn mạnh trợ từ. Điều đó chỉ là thói quen thôi như khiến cho tiếng Nhật của bạn không tự nhiên.
Nguyên tắc 4:
Ý nào quan trọng muốn nhấn mạnh thì đặt trước.
Giả sử mình có một câu nói thế này:
Tôi sẽ gặp bạn bè ở Hà Nội vào tuần tới
Nếu áp dụng nguyên tắc 1, mình bỏ わたしは~ thì trong tiếng Nhật mình có thể diễn đạt thành 3 cách khác nhau với cùng một ý nghĩa như trên:
ハノイで らいしゅう 友達に 会います。
らいしゅう ハノイで 友達に 会います。
友達に らいしゅう ハノイで 会います。
Trong câu này có 4 thành phần, động từ 会う, trạng thời thời gian らいしゅう, danh từ nơi chốn ハノイ, và bổ ngữ của động từ là ともだち. Theo nguyên tắc 2, động từ ở cuối là không bàn cãi rồi, theo nguyên tắc 3, らいしゅう thì không cần dùng trợ từ, trợ từ に quyết định bởi động từ 会う, và trợ từ で quyết định bởi ý nghĩa nơi chốn. Thế còn nguyên tắc 4 thì sao. Nguyên tắc 4 này tạo ra sự phong phú trong cách nói và thu hút sự tập trung của người nghe hay điều mà người nói nhấn mạnh bằng cách sắp xếp các thành tố còn lại. Cái nào là ý mà bạn muốn nhấn mạnh quan trọng thì hãy đặt nó trước. Mức độ quan trọng của ý nghĩa phụ thuộc vào thứ tự ưu trước hay sau trong câu.
ハノイで らいしゅう 友達に 会います。(bạn muốn nhấn mạnh ở Hà Nội)
らいしゅう ハノイで 友達に 会います。(bạn muốn nhấn mạnh là tuần tới)
友達に らいしゅう ハノイで 会います。(bạn muốn nhấn mạnh là để gặp bạn bè)
Sưu tầm